Thêm một cây cầu kết nối Đồng Nai và TP.HCM

25-07-2022 08:53

Cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM khi hoàn thành xây dựng sẽ là cây cầu tiếp theo đóng vai trò kết nối trực tiếp 2 địa phương “láng giềng” là TP.HCM và Đồng Nai.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch. Ảnh: Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

* Hơn 1,8 ngàn tỷ đồng xây cầu kết nối

Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch là đoạn đầu của tuyến đường Vành đai 3 - TP.HCM. Dự án nằm trên địa bàn TP.HCM và Đồng Nai với chiều dài khoảng 8,22km, gồm 6,3km qua Đồng Nai và 1,92km đi qua TP.HCM. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/giờ,  rộng 20,5-26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 6,9 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo Bộ GT-VT, việc đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (thuộc hệ thống đường Vành đai 3 - TP.HCM) sẽ rút ngắn hành trình từ H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến Bình Dương và TP.HCM. Tuyến đường còn kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ; đặc biệt phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội đô.

Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đơn vị được Bộ GT-VT giao là đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, ngày 13-7 vừa qua, đơn vị đã chính thức ký kết hợp đồng xây lắp cầu Nhơn Trạch với nhà thầu thi công là Công ty Kumho Engineering & Construction Co., Ltd.

Cầu Nhơn Trạch rộng 19,75m, dài hơn 2 ngàn mét, đường dẫn hai bên cầu 560m có tổng mức đầu tư hơn 1,8 ngàn tỷ đồng. Hạng mục này sẽ được khởi công xây dựng ngay sau khi UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng.

Trong dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trach, cầu Nhơn Trạch và đường dẫn dài hơn 2 ngàn m là một trong những hạng mục quan trọng nhất. Cầu Nhơn Trạch sẽ đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa 2 địa phương láng giềng là TP.HCM và Đồng Nai.

* Cần thêm những cây cầu kết nối

Đồng Nai và TP.HCM là 2 địa phương láng giềng, nằm ở trung tâm của vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước. Nếu như TP.HCM được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước thì Đồng Nai lâu nay vẫn được mệnh danh là “thủ phủ” cả về công nghiệp lẫn chăn nuôi của cả nước. Chính vì vậy, nhu cầu kết nối về giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương là rất lớn.

Hiện nay, đảm nhận vai trò kết nối giao thông giữa 2 địa phương chủ yếu là hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, số lượng các cầu đường bộ được xây dựng để kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai còn rất ít ỏi.

Năm 2015, khi dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành xây dựng, cầu Long Thành thuộc dự án này trở thành cây cầu đầu tiên đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai (kết nối TP.Thủ Đức và H.Long Thành). Đến nay, đây cũng là cây cầu duy nhất kết nối trực tiếp 2 địa phương đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Bên cạnh cầu Long Thành, một cây cầu khác đóng vai trò kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai hiện đang được xây dựng là cầu Phước Khánh (kết nối H.Cần Giờ và H.Nhơn Trạch) thuộc dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo dự kiến, năm 2025, cầu Phước Khánh cùng toàn bộ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Một dự án cầu đường bộ khác kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai được chờ đợi rất lâu nhưng chưa được triển khai xây dựng là cầu Cát Lái.

Theo quy hoạch, cầu Cát Lái được xây dựng sẽ kết nối TP.Thủ Đức với H.Nhơn Trạch. Tuy nhiên, dù đã được quy hoạch hàng chục năm nay, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa thể chốt được phương án hướng tuyến cuối cùng để có thể khởi công xây dựng.

Đối với dự án này, Đồng Nai đã đưa ra 5 phương án hướng tuyến xây dựng để TP.HCM xem xét lựa chọn.

Ngày 1-7, Sở GT-VT TP.HCM đã có đề nghị Văn phòng UBND TP.HCM sớm tham mưu lãnh đạo thành phố xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu Cát Lái.

Trước đó, vào ngày 25-5, Sở GT-VT TP.HCM cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố về phương án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái. Trong đó, Sở GT-VT TP.HCM đã có đánh giá về các phương án nghiên cứu xây dựng cầu Cát Lái.

Cụ thể, Sở GT-VT TP.HCM đánh giá phương án 4 là phương án có nhiều ưu điểm như: tạo mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến metro số 4 và các tuyến trục chính giao thông hướng tâm như đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng, đi qua H.Nhơn Trạch, cảng hàng không quốc tế Long Thành và hướng ngược lại, phù hợp định hướng.

Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cũng đánh giá phương án 4 có tính khả thi trong việc nghiên cứu điều chỉnh các quy hoạch liên quan trên địa bàn, đồng thời một phần đường dẫn phía TP.HCM đi qua khu đất trống nên thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng.

Theo phương án 4 mà Sở GT-VT TP.HCM đánh giá có nhiều ưu điểm, dự án xây dựng cầu Cát Lái có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam, qua Rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, vượt sông Đồng Nai sang các xã Phú Hữu, Phú Đông, H.Nhơn Trạch sau đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Trong khi đó, phương án 2 mà đơn vị tư vấn đánh giá có nhiều ưu điểm, dự án xây dựng cầu Cát Lái có hướng tuyến từ nút giao trên đường Vành đai 2, cách đường dẫn cầu Phú Mỹ 1km và cách nút giao Mỹ Thủy 2,3km. Cầu đi dọc nhánh rạch Kỳ Hà, vượt sông Đồng Nai, sang xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch, sau đó kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành. Về địa lý, tỉnh Đồng Nai và TP.HCM bị chia cắt bởi các sông: Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải.

Nguồn Báo Đồng Nai

Đóng