Xử lý nghiêm, nhanh các vi phạm về đất đai, xây dựng

01-06-2022 09:59

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã rà soát và xử lý nghiêm hàng trăm trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng. Đồng thời, các huyện, thành phố cũng siết chặt việc quản lý đất đai để hạn chế việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép.

Lực lượng chức năng phát hiện xử lý một số căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã An Phước (H.Long Thành). Ảnh: Khánh Minh

Lực lượng chức năng phát hiện xử lý một số căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã An Phước (H.Long Thành). Ảnh: Khánh Minh

Theo Sở TN-MT, kết quả kiểm tra tại 11 địa phương trong tỉnh đến cuối năm 2021 cho thấy, có gần 1,1 ngàn trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng. Trong đó, phân lô, bán nền đất nông nghiệp gần 100 trường hợp; xây dựng đất không đúng mục đích sử dụng gần 390 trường hợp và lấn chiếm đất công gần 600 trường hợp.

* Hay xảy ra vi phạm ở khu đông dân cư

Vi phạm về đất đai, xây dựng đa số xảy ra ở những khu vực có công nghiệp phát triển, đông dân cư như các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa. Nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, xây dựng là do trước đây, công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, chưa chủ động kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp vi phạm để ngăn chặn kịp thời các hành vi như: xây dựng nhà, làm đường giao thông trên đất nông nghiệp. Nhiều trường hợp vi phạm khi sắp hoàn thành công trình mới phát hiện nên rất khó khăn trong công tác xử lý, vận động người dân tự tháo dỡ, cưỡng chế và khắc phục hậu quả.

Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Trần Văn Thân cho biết: “Huyện đang phối hợp với xã gấp rút xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm trên địa bàn để trả lại nguyên hiện trạng. Bước đầu sẽ vận động người dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm, nếu người vi phạm cố tình không khắc phục sẽ tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Các vi phạm về phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp phần lớn xảy ra những khu vực đông dân cư”.

Trong những năm qua, H.Long Thành đã xảy ra hơn 200 vụ vi phạm về đất đai xây dựng gồm: 77 vụ về phân lô, bán nền đất nông nghiệp; gần 100 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích và 30 trường hợp lấn chiếm đất công.

Huyện Vĩnh Cửu có gần 430 trường hợp vi phạm về đất đai với hơn 360 vụ vi phạm lấn chiếm đất công, trên 60 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích và 2 trường hợp phân lô, bán nền đất nông nghiệp.

Huyện Trảng Bom có trên 150 trường hợp vi phạm về đất đai, trong đó có hơn 100 vụ xây dựng không đúng mục đích, hơn 40 vụ lấn chiếm đất công, gần 10 vụ phân lô, bán nền đất nông nghiệp. H.Nhơn Trạch phát hiện hơn 100 vụ vi phạm… Thực tế, con số vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh có thể còn lớn hơn nhiều, vì có những xã giáp khu công nghiệp qua rà soát đất đai phát hiện từ vài chục đến hơn 100 trường hợp vi phạm.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc, các vụ vi phạm đã và đang xử lý đa số xảy ra từ những năm trước. Khoảng 2 năm trở lại đây, thành phố quản lý rất chặt nên các trường hợp sai phạm đều được phát hiện xử lý kịp thời, do đó vi phạm mới rất ít.

* Quản lý chặt đất đai

Đồng Nai hiện có hơn 600 ngàn lao động đến từ các tỉnh, thành trên cả nước để làm việc trong các công ty, nhà máy và hầu hết có nhu cầu về nhà ở. Đất đai trên địa bàn tỉnh những năm qua liên tục tăng giá, người lao động rất khó để có đủ khả năng mua một khu đất có giấy tờ đầy đủ và phù hợp quy hoạch để xây dựng.

Thực tế, đất thổ cư trong khu dân cư có giá từ 2-5 tỷ đồng/nền (80-120m2), vì bức bách về nơi ở nên nhiều người lao động đã chấp nhận mua đất nông nghiệp theo hình thức phân lô, bán nền và lén lút xây dựng nhà ở để có nơi an cư. Đây cũng là vấn đề nhức nhối khó giải quyết của những địa phương có công nghiệp phát triển, đông dân cư, trong đó có Đồng Nai.

Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom Lê Ngọc Tiên cho rằng, trên địa bàn huyện có 4 khu công nghiệp, lao động từ nhiều nơi về sinh sống, làm việc trong các nhà máy rất đông nên nhu cầu về chỗ ở khá lớn. Tuy nhiên, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thuê, mua còn ít, dẫn đến nhiều người lao động bị “cò” đất dụ mua đất nông nghiệp phân lô, bán nền để xây dựng nhà ở. Các xã, thị trấn rất khó khăn trong việc quản lý đất đai, xây dựng.

Trên địa bàn tỉnh từng xảy ra nhiều “điểm nóng” về đất đai, xây dựng và đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Điều này dẫn đến hình thành cụm công nghiệp, khu dân cư tự phát, ảnh hưởng quy hoạch, gây áp lực cho hạ tầng kỹ thuật thuộc P.Phước Tân (TP.Biên Hòa), P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), xã An Viễn (H.Trảng Bom)…

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai, xây dựng, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm và xử lý thật nghiêm để ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp dẫn đến xây dựng trái phép. Bên cạnh đó, các xã, phường thường xuyên tuyên truyền người dân hiểu rõ và chấp hành đúng các quy định về đất đai, xây dựng. UBND tỉnh giao cho Sở TN-MT phối hợp với Sở Xây dựng, Thanh tra tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác quản lý đất đai của các địa phương nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về đất đai, xây dựng.

“Khoảng 1-2 năm nay, huyện phối hợp với các xã thường xuyên kiểm tra các khu vực gần khu công nghiệp nơi dễ xảy ra tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Do đó, những trường hợp vi phạm mới phát sinh ít, huyện yêu cầu các xã, thị trấn quản lý chặt đất đai sẽ ngăn chặn được tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép” - Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom LÊ NGỌC TIÊN chia sẻ.

Nguồn Báo Đồng Nai

Đóng